Skip to main content
Chủ đề

Rối loạn ăn uống

Rối loạn ăn uống là gì?

Rối loạn ăn uống (Eating Disorder) là tình trạng nghiêm trọng ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất và tinh thần của con người, thậm chí có thể gây nguy hiểm đến tính mạng. Tình trạng này có dấu hiệu đặc trưng là thói quen ăn uống không lành mạnh.

Chứng rối loạn ăn uống không chừa bất kỳ ai và có thể ảnh hưởng đến tất cả mọi người, không phân biệt tuổi tác, giới tính, dân tộc hoặc đặc điểm cơ thể. Một người có bề ngoài trông “khỏe mạnh” nhưng thực chất vẫn có thể gặp vấn đề về sức khỏe vì việc thu nạp thực phẩm và cơ thể của từng người có những đặc thù riêng. Nếu bạn thường xuyên cảm thấy căng thẳng, lo lắng, buồn rầu hoặc ám ảnh về thức ăn, cân nặng hay vóc dáng của mình, hoặc bạn nhận ra rằng những suy nghĩ và cảm nhận của bạn về những vấn đề này đang ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống của bạn, thì rất có thể bạn đang gặp vấn đề về ăn uống và ám ảnh hình thể. Chứng rối loạn ăn uống được chia thành các dạng phổ biến như: Chán ăn tâm thần, Rối loạn hấp thu thực phẩm do né tránh/hạn chế (ARFID), Chứng ăn – ói và Chứng ăn uống vô độ.

Nếu bản thân bạn hoặc một người mà bạn quen biết đang bị ám ảnh về hình thể, thức ăn hay việc tập thể dục, chúng tôi muốn bạn biết rằng sẽ luôn có người sẵn sàng giúp đỡ các bạn và bạn không hề đơn độc.


Nhiều người gặp tình trạng ám ảnh về ăn uống và vóc dáng cơ thể

Nói chuyện với người mà bạn tin tưởng

Nếu bạn bắt đầu nhận thấy mình đang lo lắng thái quá về vóc dáng cơ thể hoặc vấn đề ăn uống, hãy chia sẻ với một thành viên trong gia đình, bạn bè, giáo viên, cố vấn học đường hoặc một người mà bạn tin tưởng để họ biết rằng bạn đang trải qua khoảng thời gian khó khăn và muốn tâm sự về điều này. Bạn không nhất thiết phải gặp khó khăn ngay trước mắt hoặc ngoại hình của bạn gặp vấn đề nào đó thì mới có thể tìm kiếm sự hỗ trợ. Bạn có thể chia sẻ trước với họ một số thông tin về chứng rối loạn ăn uống để họ chuẩn bị.

Hãy nghỉ ngơi khi bạn cần

Chúng ta dành phần lớn thời gian ở trên mạng và đôi khi, chúng ta có thể so sánh bản thân mình với một người nào đó trên môi trường mạng. Lúc này, điều quan trọng nhất là nhận ra những cảm giác tiêu cực này của bản thân và cho bản thân nghỉ ngơi khi mọi thứ trở nên quá tải. Hãy thử làm điều gì đó tích cực để cải thiện tâm trạng và giải tỏa căng thẳng, chẳng hạn như hòa mình vào thiên nhiên, nghe nhạc, nhảy múa hoặc tập thiền. Nếu cần, hãy tạm rời xa không gian mạng và khi tiếp tục lên mạng trở lại, hãy cân nhắc bỏ theo dõi những người không còn tác động tích cực đến bạn hoặc quá trình phục hồi của bạn.

Nhận ra việc “độc thoại”

Độc thoại là hiện tượng bình thường khi chúng ta nhận xét về chính mình cũng như mọi thứ xung quanh ta. Đôi khi độc thoại có thể trở nên tiêu cực và gây hại, khiến tâm trạng của chúng ta đi xuống. Hãy tập nói chuyện với bản thân một cách tử tế, kiên nhẫn và đầy quan tâm. Hãy nói chuyện với bản thân như khi đang nói chuyện với người bạn thân nhất của bạn.

Hãy thành thực và dũng cảm

Với nhiều người, bước đầu tiên trong quá trình phục hồi là thừa nhận việc bản thân đang gặp sự cố và cần được giúp đỡ. Điều này có thể khiến bạn bối rối, lo sợ và khó chấp nhận, nhưng hành động dũng cảm nhất bạn có thể làm là thừa nhận vấn đề và tâm sự với người mà bạn tin tưởng. Hãy trung thực và cởi mở khi chia sẻ cảm xúc của bạn; cảm xúc của bản thân không phải là điều khiến bạn thấy hổ thẹn. Chia sẻ về những gì bạn đang trải qua đồng nghĩa với việc bạn đã bắt đầu hành trình tìm kiếm khả năng chấp nhận bản thân, công nhận giá trị của mình và nuôi dưỡng niềm hi vọng. Mọi người đều xứng đáng được giải thoát khỏi những sự cố của bản thân.

Tìm ra sức mạnh nội tại và đức tính tích cực của bạn

Bạn rất dễ bị cuốn vào suy nghĩ rằng vẻ bề ngoài cũng chính là con người của bạn. Tuy nhiên, bản chất thực của một con người không chỉ thể hiện qua hình dáng cơ thể, mà cách bạn suy nghĩ, cư xử và tác động đến thế giới mới chính là điều quan trọng. Ngoài ra, mỗi người có quan niệm về thẩm mỹ khác nhau nên khái niệm về vẻ đẹp có muôn hình vạn trạng. Đôi khi, thật khó để đi ngược lại những tiêu chuẩn phi thực tế về vẻ đẹp mà xã hội đặt ra cho con người. Xã hội ngày nay tràn ngập văn hóa ăn kiêng, một loạt những quan niệm coi trọng ngoại hình và vóc dáng mảnh mai hơn là sức khỏe và hạnh phúc. Tuy nhiên, đó chỉ là những tiêu chuẩn được dựng lên nhằm trục lợi dựa trên sự bất an của con người, khiến chúng ta tin rằng ngoại hình làm nên giá trị của con người.

Hãy nghĩ về tất cả những phẩm chất và thế mạnh của bạn, cũng như những giá trị tốt đẹp của chính con người bạn. Đó mới thật sự là những tiêu chuẩn quan trọng để đánh giá một con người. Tập trung suy nghĩ về những phẩm chất tốt đẹp này có thể giúp bạn nhìn thấy bức tranh toàn diện về bản thân, từ đó có suy nghĩ tích cực hơn về chính mình và những gì mình đã làm được. Ví dụ: mỗi sáng khi thức dậy, bạn nên tự nhủ với bản thân rằng: “Tôi thấy biết ơn vì trái tim tôi vẫn đang đập trong lồng ngực để tôi tiếp tục tận hưởng cuộc sống. Tôi thấy biết ơn khi mình có khả năng đối phó với những tình huống gian nan”. Nếu cần, hãy liên hệ với đội ngũ hỗ trợ về chứng rối loạn ăn uống tại địa phương hoặc nhờ chuyên gia giúp đỡ.

Nắm bắt nguyên nhân và có kế hoạch đối phó

Các hành vi rối loạn ăn uống có thể xuất hiện do tác động của hoàn cảnh, chẳng hạn như học hành để thi cử, các thói quen bị xáo trộn, cảm giác căng thẳng trong các buổi tụ tập ăn uống, các dịp lễ hội hoặc lễ kỷ niệm của gia đình… Những hành vi này cũng có thể nhen nhóm từ những thông điệp mà bạn tiếp nhận. Hãy tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến cảm xúc khó chịu hoặc suy nghĩ tiêu cực về ngoại hình và/hoặc cơ thể của bạn. Hãy lên danh sách các bước chuẩn bị cho việc bạn sẽ tìm sự hỗ trợ như thế nào một khi bạn cảm thấy bản thân không ổn. Bạn có thể kêu gọi sự giúp đỡ từ một người mà bạn tin tưởng để hỗ trợ bạn đối phó với những yếu tố tác động từ bên ngoài, giúp bạn cảm thấy tự tin hơn về việc mình vẫn đang đi đúng hướng trong những thời điểm khó khăn này.

Việc không ngừng suy nghĩ về vóc dáng và cân nặng của bản thân có phải là điều bình thường hay không?

Bạn thường nghĩ về cân nặng và vóc dáng của bản thân với tần suất ra sao, và điều này có tác động như thế nào đến cuộc sống của bạn? Nếu bạn chỉ thỉnh thoảng suy nghĩ về vóc dáng và cân nặng của bản thân thì đó là điều bình thường. Tuy nhiên, nếu những suy nghĩ này chiếm rất nhiều thời gian của bạn và khiến bạn có cảm giác ám ảnh, khó chịu, lo lắng hoặc căng thẳng, thì bạn có thể cần được hỗ trợ. Cách tốt nhất là tìm đến người mà bạn tin tưởng để nhận được sự hỗ trợ cần thiết. Bạn không hề đơn độc và mọi người xung quanh luôn sẵn sàng hỗ trợ bạn.

Hỗ trợ một người bạn vượt qua những ám ảnh về ăn uống và vóc dáng cơ thể

Nếu một người mà bạn quen đang gặp khó khăn với những mối lo ngại này, hãy khuyến khích họ liên hệ với đội ngũ hỗ trợ về chứng rối loạn ăn uống tại địa phương hoặc nhờ chuyên gia giúp đỡ. Hãy đặt cho bạn ấy những câu hỏi mở, chẳng hạn như “hôm nay bạn cảm thấy thế nào?”, đồng thời lắng nghe bạn ấy trả lời mà không phán xét hay ngắt lời, ngay cả khi bạn không đồng ý với một số điều họ nói. Điều quan trọng là tránh nói hoặc tránh những hành động có thể khiến bạn ấy cảm thấy tội lỗi hoặc xấu hổ. Tránh chỉ trích quá mức hay đưa ra hướng giải quyết đơn giản, đại loại như “Thôi cứ ăn đi” bởi vì chứng rối loạn ăn uống không chỉ đơn thuần liên quan đến thức ăn, mà đó còn có thể là biểu hiện của một nỗi đau sâu sắc hơn về cảm xúc.

Hãy động viên khi bạn ấy có vẻ mệt mỏi trong hành trình nỗ lực để cải thiện tình hình. Hãy nhắc bạn ấy nghĩ đến những điều tích cực một khi tình hình được cải thiện, chẳng hạn như những điều bạn ấy thích làm và có thể tiếp tục làm một khi mọi chuyện bình thường trở lại. Bất kỳ nhận xét nào về ngoại hình đều có thể bị coi là tiêu cực, ví dụ: câu “trông khỏe đấy nhỉ” có thể mang hàm ý là “trông bạn béo đấy” đối với một người đang trong quá trình cải thiện tình hình. Hãy ngưng những cuộc trò chuyện gây hại và vô ích về ngoại hình, cân nặng hoặc thức ăn và chuyển sang những chủ đề tích cực hơn, tập trung khen ngợi những tiến bộ và những điều mà bạn ấy đã làm được dù là nhỏ nhất.

Trò chuyện với chuyên gia

Nếu bạn đang gặp khó khăn với chứng rối loạn ăn uống của bản thân, hoặc nếu bạn đang lo lắng cho sức khỏe của một người bạn hoặc một thành viên trong gia đình, hãy tìm kiếm sự giúp đỡ từ những người mà bạn tin tưởng, liên hệ với đội ngũ hỗ trợ về chứng rối loạn ăn uống tại địa phương hoặc nhờ các chuyên gia giúp đỡ. Nếu bạn đang nghĩ đến việc tự làm hại bản thân, hoặc nếu chứng rối loạn ăn uống gây ra cho bạn những vấn đề nghiêm trọng về sức khoẻ (như ngất xỉu hoặc tim đập nhanh), chúng tôi thực sự khuyên bạn nên liên hệ với các dịch vụ khẩn cấp hoặc đường dây nóng tại địa phương.

Nguồn lực hỗ trợ